Kỳ vọng ngành Logistics Việt Nam phát triển – Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành dịch vụ logistics phát triển bởi kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt hàng trăm tỷ USD.

Con số đó dự kiến đạt khoảng 530 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, trong ngành này lại đang tồn tại một nghịch lý là chi phí logistics đang khá cao. Đơn cử như quả thanh long xuất khẩu sang Mỹ, chi phí logistics chiếm khoảng 3,5USD. Với giá bán trung bình 7 USD thì logistics đã chiếm hết 50%.

Chia sẻ tại diễn đàn, câu chuyện 1 kg tôm chuyển lên khu vực miền núi trong nước giá thành đắt hơn chuyển 1kg tôm từ Ecuado về Việt Nam đã khiến mọi người phải suy nghĩ và nhận ra điều bất hợp lý về chi phí logistics trong thời gian qua.

Qua các báo cáo, tham luận của các diễn giả cũng đã nêu rõ: càng đầu tư nhiều lĩnh vực logistics sẽ càng làm lợi cho người nông dân và doanh nghiệp. Muốn đạt được mục tiêu đề ra cần đổi mới ở tất cả các khâu bởi vì từ ngay khâu sản xuất đã liên quan đến logistics; các dịch vụ đầu vào, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch… tất cả đều liên quan đến logistics. Công đoạn sản xuất trong nước hiện đã tốt nhưng chế biến còn hạn chế, như công nghệ chuỗi lạnh vẫn đang rất kém, bán hàng thô, nặng và sơ chế sau thu hoạch còn chưa tốt. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm lại quyết định đến phương thức vận tải.

Tại nhiều nước phát triển, logistics đã ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa mọi khâu như sử dụng robot thay con người, sử dụng xe chuyển hàng tự động, ứng dụng QR, tối ưu hóa tồn kho dựa trên dữ liệu điện toán đám mây… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động rất mạnh đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế, nếu các doanh nghiệp logistics trong nước không bắt kịp tốc độ phát triển chung sẽ trở nên thua kém trên thị trường cạnh tranh.